Dưới đây là danh sách những loại xe bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen ô tô) trong năm 2017 nếu không sẽ bị xử phạt nặng.
Những dòng xe này phải lắp thiết bị giám sát hành trình hợp chuẩn, theo đúng quy định của Bộ GTVT. Thiết bị giám sát hành trình được sử dụng phải đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt và hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông.
Những loại xe bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình năm 2017
Năm 2017, nhiều loại xe phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Những loại xe nào phải lắp thiết bị giám sát hành trình
Thiết bị giám sát hành trình là thiết bị điện tử, gắn trực tiếp trên các phương tiện vận tải, nhằm cho các thông tin về xe và người lái như vị trí, vận tốc, thời gian lái xe,… Sản phẩm này sẽ có 1 sim đi kèm, làm chức năng gửi dữ liệu từ thiết bị về hệ thống máy chủ của đơn vị sản xuất thiết bị giám sát hành trình và máy chủ của Tổng cục Đường Bộ Việt Nam. Các dữ liệu này đảm bảo chính xác, trung thực, không một bên thứ 3 nào được quyền tác động, thay đổi dữ liệu.
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình ở các xe cá nhân bắt đầu phổ biến ở nước từ gần chục năm trở lại đây. Đến năm 2011, nhiều dòng xe kinh doanh vận tải hành khách như xe khách, xe du lịch, xe chạy hợp đồng cũng bắt buộc lắp thiết bị này. Việc lắp sản phẩm này đồng thời vừa nâng cao hiệu quả kinh doanh của chủ sở hữu, vừa là một cơ sở để cơ quan chức năng quản lý vận tải từng địa phương hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, trật tự giao thông của cả nước.
Theo quy định của cơ quan chức năng, hầu như các dòng xe kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa ở Việt Nam hiện nay đều bắt buộc phải lắp sản phẩm này mới đủ điều kiện hoạt động. Cụ thể, theo Nghị định 86 quy định, xe tải từ 7 tấn đến dưới 10 tấn phải gắn phù hiệu xe tải và lắp TBGSHT trước ngày 1/7/2016 và hạn cuối đối với xe tải từ 3,5 tấn đến dưới 7 tấn là ngày 1/1/2017.
Như vậy, lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hợp chuẩn năm 2017 như sau:
- Trước ngày 01/7/2012: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ ;
- Trước ngày 01/7/2015: Xe taxi, xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình;
- Trước ngày 01/1/ 2016: Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình;
- Trước ngày 01/ 7/2016: Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 07 tấn đến dưới 10 tấn phải lắp thiết bị giám sát hành trình;
- Trước ngày 01/1/ 2017: Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 3,5 tấn đến dưới 07 tấn phải lắp thiết bị giám sát hành trình;
- Trước ngày 01/ 7/2018: Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Các loại xe trên cần lắp đặt sản phẩm đúng lộ trình, nếu không sẽ bị xử phạt nặng, từ phạt hành chính đến tước phù hiệu lái xe.
Ngoài ra, đối với các xe cá nhân, xe cho thuê, xe tự lái,… không nằm trong diện bắt buộc lắp đặt sản phẩm trên, người dùng cũng có thể chủ động lựa chọn những loại thiết bị định vị phù hợp để quản lý xe mọi lúc, mọi nơi. Thông thường, phí quản lý cho một thiết bị chỉ 1 triệu đồng/ thuê bao/ năm, rất hợp lý so với hiệu quả mà sản phẩm mang lại. Do đó, nhiều chủ xe đã chủ động lựa chọn những thiết bị phù hợp để lắp đặt trên xe, vừa đảm bảo an toàn khi không may có sự cố, vừa quản lý kỹ các thông tin về xe và người lái.
Tăng cường xử phạt xe không lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định
Cuối năm 2016, Tổng cục Đường bộ VN đã có văn bản gửi các Sở GTVT địa phương tăng cường xử phạt các xe trong diện quy định không lắp thiết bị giám sát hành trình. TCĐB yêu cầu các địa phương thực hiện chuyên đề về tình trạng truyền dữ liệu TBGSHT của các phương tiện và báo cáo Tổng cục trong tháng 10/2016.
Đối với các xe không có dữ liệu truyền về do xe không hoạt động, xe hỏng… phải giải trình. Nếu giải trình không thoả đáng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định tại Thông tư 10. Bên cạnh đó, các lực lượng CSGT cũng sẽ tăng cường phát hiện, xử lý các xe không lắp TBGSHT và chưa có phù hiệu xe tải để xử phạt nghiêm theo Nghị định 171.
Những xe không lắp thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định sẽ bị xử phạt nặng. (Ảnh minh họa)
Về quy định xử phạt xe không lắp thiết bị giám sát hành trình, tại Điểm c, Khoản 5, Điều 24, Nghị định 46 quy định: Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe không có hoặc không gắn phù hiệu theo quy định hoặc có phù hiệu nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Cụ thể, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định mức phạt cụ thể với từng dòng xe không lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định như sau:
- Người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ: Phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách không gắn thiết bị giám sát hành trình xe theo quy định hoặc có gắn nhưng thiết bị không hoạt động đúng chuẩn;
- Người điều khiển xe tải, máy kéo, xe công trình thuộc diện bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình: Phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định;
- Đối với cá nhân, tổ chức: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải không thực hiện việc cung cấp, cập nhật, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình theo quy định hoặc sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (đối với hình thức kinh doanh vận tải có quy định phương tiện phải gắn thiết bị) hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động, không đúng quy chuẩn theo quy định.
Đồng thời, tại Điểm đ, Khoản 4, Điều 22 của Thông tư 10/2015/TT-BGTVT quy định: Thu hồi phù hiệu, biển hiệu 1 tháng của xe ô tô vận tải hàng hóa không cung cấp hoặc cung cấp sai lệch thông tin bắt buộc từ TBGSHT của xe cho cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Như vậy, các đơn vị thuộc diện bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình hợp chuẩn nếu không thực hiện đúng quy định sẽ bị xử phạt nặng, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến công tác quản lý của cơ quan chức năng.
Lưu ý khi lắp thiết bị giám sát hành trình
Các dòng xe kể trên cần lựa chọn thiết bị giám sát hành trình hợp chuẩn, hợp quy để thực hiện đúng quy định của cơ quan quản lý. Đây là những sản phẩm đã qua quy trình kiểm định khắt khe của các cơ quan chức năng trước khi được tung ra thị trường nên đảm bảo có chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên và môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Để lắp đặt sản phẩm này, các bạn cần lưu ý:
Người mua cần kiểm tra kỹ giấy tờ chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy của thiết bị giám sát hành trình.
- Kiểm tra đầy đủ giấy tờ hợp chuẩn, hợp quy;
- Yêu cầu đơn vị cung cấp sản phẩm hoàn thiện hợp đồng mua bán thiết bị, hợp đồng thuê bao, và các giấy tờ khác phục vụ cho công tác đăng kiểm;
- Yêu cầu đơn vị cung cấp thiết bị hỗ trợ khi đăng kiểm;
- Lưu giữ tài khoản đăng nhập vào phần mềm giám sát hành trình vừa để phục vụ khi đăng kiểm, vừa để quản lý xe mọi lúc, mọi nơi;
- Tìm hiểu kỹ các thông tin về chính sách bảo hành, bảo trì của sản phẩm, đảm bảo sử dụng lâu dài và cho chất lượng tốt nhất;
- Yêu cầu được tư vấn kỹ càng về cách sử dụng phần mềm giám sát hành trình, từ chức năng giám sát trực tuyến đến các chức năng chiết xuất báo cáo.
Người sử dụng nên lựa chọn những sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, thương hiệu uy tín trên thị trường. Đồng thời, khi lựa chọn một sản phẩm định vị ô tô, bạn cũng cần lưu ý thiết bị phải có tối thiểu 7 tính năng theo quy chuẩn QCVN 31:2014/BGTVT, cụ thể như:
- Chức năng thông báo trạng thái hoạt động;
- Chức năng ghi nhận thay đổi lái xe;
- Chức năng cảnh báo đối với lái xe;
- Chức năng ghi và lưu trữ dữ liệu trên thiết bị;
- Chức năng truyền dữ liệu về máy chủ;
- Chức năng cài đặt tham số;
- Chức năng trích xuất dữ liệu qua cổng kết nối với máy tính.
Các chức năng trên là yêu cầu cơ bản của một thiết bị giám sát hành trình hợp chuẩn, đồng thời cũng là những tính năng quản lý cơ bản đối với người sử dụng. Một sản phẩm chất lượng tốt sẽ cung cấp cho người dùng chính xác các thông tin về xe và người lái như vị trí, vận tốc, thời gian đi lại, quãng đường,… Từ các thông tin, người dùng vừa quản lý xe hiệu quả, đảm bảo an toàn xe 24/24, vừa có các số liệu thống kê theo thời gian dài để có các phương án điều chỉnh kinh doanh phù hợp.
Khi đã lựa chọn được một sản phẩm phù hợp, bạn cần chú ý tuân thủ các quy tắc lắp đặt của nhà cung cấp thiết bị, để sản phẩm vừa hoạt động tốt,vừa có độ bền cao. Hiện tại, hầu hết các sản phẩm này đều được tối ưu hóa về công nghệ, cho độ chính xác rất cao và tốc độ truyền dữ liệu nhanh. Khi lắp sản phẩm ở thời điểm hiện tại, bạn có thể yêu cầu trải nghiệm các tính năng mượt mà trên phần mềm giám sát hành trình.
Trên đây là những thông tin cơ bản về việc lắp thiết bị định vị ô tô năm 2017, hy vọng hữu ích với người dùng. Sang năm 2018, các dòng xe tải dưới 3,5 tấn cũng sẽ bắt buộc lắp thiết bị này mới đủ điều kiện kinh doanh vận tải. Chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật những thông tin, chính sách, quy định về việc lắp thiết bị này để đa dạng thông tin cho quý bạn đọc.